Dùng “sai” những chỉ định đúng
Trong khi đại dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam vẫn đang diễn tiến hết sức phức tạp, với số ca nhiễm mới và số ca tử vong vẫn đang ở mức cao, Bộ Y tế đã có văn bản cho phép điều trị F0 tại nhà.
Để giúp mọi người dân có thể tiếp cận thuốc điều trị dễ dàng hơn, Sở Y tế TPHCM đã triển khai phân bổ các túi thuốc A, B, C cho bệnh nhân. Túi thuốc B bao gồm 2 loại thuốc uống: thuốc kháng đông và thuốc kháng viêm corticosteroid.
Đáng lưu ý là trong tờ hướng dẫn kèm theo túi thuốc B có ghi rõ là: Sử dụng khi bệnh nhân khó thở, nhịp thở khi nghỉ ngơi lớn hơn 20 lần/phút và hoặc Sp02 dưới 95% và đồng thời yêu cầu bệnh nhân liên hệ ngay trạm y tế để được hỗ trợ.
Tuy nhiên, không ít người bệnh có thể quá lo sợ về sự tiến triển của bệnh đã tự ý dùng ngay thuốc corticosteroid trong túi B, ngay từ lúc phát hiện bệnh dù lúc đó có thể chưa có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chưa cần hỗ trợ oxy.
Vậy có nên dùng corticosteroid đường toàn thân sớm trên bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hay không?
Trước hết, xin nhắc lại cơ sở lý thuyết cho việc sử dụng corticosteroid là do trên bệnh nhân Covid-19 mức độ trung bình, nặng có thể phát triển đáp ứng viêm toàn thân, vốn có thể dẫn đến tổn thương phổi và rối loạn đa chức năng hệ thống cơ quan.
Do vậy, tác dụng chống viêm mạnh của thuốc corticosteroid có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những tác dụng có hại này.
Điều này đã được chứng minh qua rất nhiều các nghiên cứu, đặc biệt là trong thử nghiệm RECOVERY, là một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên nhãn mở lớn, đa trung tâm được thực hiện ở Vương quốc Anh.
Trong thử nghiệm này corticosteroid (dexamethasone) được chứng minh là giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân Covid-19 nhập viện, cần hỗ trợ oxy.
Hiện không có dữ liệu nào cho thấy corticosteroid đường uống toàn thân dự phòng hữu ích để ngăn ngừa sự tiến triển nặng của các trường hợp Covid-19 nhẹ.
Uống quá sớm, corticosteroid ức chế hệ miễn dịch
Chưa kể là có một số bằng chứng gợi ý tác hại tiềm tàng khi thuốc được sử dụng ở những trường hợp này.
Thứ nhất là do thuốc corticosteroid có hoạt tính ức chế hệ thống miễn dịch nên nếu được sử dụng trong giai đoạn đầu của bệnh, thay vì giúp tăng cường hệ thống phòng thủ của cơ thể để chống lại virus, thuốc lại làm suy yếu hàng rào bảo vệ, làm tăng sự nhân lên của virus, gây ra tác hại đáng kể cho bệnh nhân.
Thứ hai, sử dụng thuốc làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ, có thể đe dọa đến tính mạng như tăng đường huyết, hoại tử vô mạch, nhiễm trùng thứ phát cũng như kích hoạt lại các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn (virus viêm gan B, virus Herpes, giun lươn, bệnh lao), tăng nguy cơ nhiễm nấm cơ hội (ví dụ, bệnh nấm mucormycosis, aspergillosis), vốn có thể không được kiểm soát trong môi trường chăm sóc tại nhà.
Thứ ba, việc sử dụng quá mức góp phần trực tiếp vào tình trạng thiếu thuốc tại các nhà thuốc và bệnh viện, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nhập viện cần hỗ trợ oxy, vốn là những người chắc chắn được hưởng lợi ích từ việc sử dụng thuốc.
Xin hãy nhớ một điều rằng, hầu hết bệnh nhân Covid-19 là nhẹ (80 - 90%) và trên các bệnh nhân này, chỉ cần điều trị triệu chứng là đủ và điều này được khuyến nghị bởi các tổ chức y khoa lớn trên toàn cầu.
Việc sử dụng rộng rãi corticosteroid ở nhóm bệnh nhân này có khả năng gây hại cho hàng triệu người — với những hậu quả có hại chưa được biết đến.
ThS.BS Đoàn Trúc Quỳnh (Bộ môn Dược lý, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM)
💞 Thức tỉnh tâm - Để bình an
Đăng nhận xét