Bí đao là một loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của mọi gia đình. Không chỉ có tác dụng làm thực phẩm, người xưa còn dùng bí đao để chữa một số bệnh.
1. Nhận biết cây bí đao
Bí đao còn gọi là đông qua [Benincasa hispida (Thunb.) Cogn.], họ Bí (Cucurbitaceae). Đây là loại thân thảo, dây leo bằng tua cuốn.
Thân phủ một lớp lông dài. Lá mọc so le, có cuống dài, mép có răng cưa, hai mặt đều có lông cứng. Hoa màu vàng, đơn tính cùng gốc. Quả thuôn dài, màu lục nhạt, khi còn non có lông cứng, sau màu lục sẫm, phủ một lớp sáp màu trắng mốc. Nhiều hạt, dẹt, màu trắng. Vị thuốc là phần thịt quả, sau khi loại bỏ lớp vỏ ngoài, bỏ ruột và hạt.
2. Các thành phần dinh dưỡng có trong bí đao
Phần thịt quả chứa carbonhydrat, protein, chất béo, cellulose, muối khoáng, trong đó có Ca, P, Fe, các vitamin B1, B2, PP, C, sitosterol, β – sitosterol acetate, lupeol, lupeol acetate. Phần vỏ quả có chứa chất sáp, chất nhựa và một chất triterpen: isomultiflorenol acetate. Hạt bí chứa các chất saponosid, a xít amin.
3. Tác dụng
Từ lâu, bí đao đã là một cây được trồng vừa để làm thực phẩm vừa được dùng làm thuốc. Ở Việt nam, loại quả này được trồng ở hầu hết các vùng miền. Bí đao nấu canh ăn với tác dụng giải nhiệt, giải độc. Còn được dùng để chế biến mứt kẹo, nước uống, rất thơm ngon và bổ mát.
Theo YHCT, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, lợi niệu, tiêu phù thũng, tiêu viêm, chỉ thống, chống ho, tiêu khát. Hạt bí có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đàm, trừ mủ, giải độc, trừ giun.
4. Một số bài thuốc
– Trị tiểu đường: bí đao 100g, củ mài 30g, lá sen tươi 60g. Sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Hoặc bí đao, vỏ dưa hấu, mỗi vị 15g, thiên hoa phấn 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.
– Trị viêm thận cấp tính, phù thũng: bí đao, rễ cỏ tranh, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
– Trị ho do nhiệt: bí đao sắc nước, thêm mật ong, uống nhiều lần trong ngày.
– Trị viêm bàng quang, tiểu đục, tiểu buốt, dắt: bí đao 12g, sắc uống nhiều lần trong ngày.
– Trị ung nhọt ở phổi hoặc ở đại tràng, hạt bí đao sao vàng, bồ công anh, kim ngân hoa, ý dĩ (để sống), diếp cá, mỗi vị 40g, rễ cây lau 20g, đào nhân, cát cánh, cam thảo, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
GS.TS Phạm Xuân Sinh
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội
Đăng nhận xét