Ăn lá cây xương sông tăng sinh lực

Lá xương sông nấu canh cá, canh thịt ăn giải cảm. Lá giã nhuyễn hòa nước nóng, lọc lấy nước uống chữa phong hàn.

Cây xương sông còn gọi là hoạt lộc thảo, xang sông phắc lít (người Thái), là cây mọc hoang dại. Lá có thể làm gia vị, trộn gỏi cá, gỏi thịt, nướng chả, chống dị ứng với thức ăn tanh như lươn, ốc, cá.

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết lá cây có vị đắng, cay, thơm, tính ấm, tác dụng trừ tanh hôi, hỗ trợ tiêu hóa, tiêu đờm. Lá xương sông có thể chữa ho cảm, viêm họng bằng cách nhai ngậm lá tươi hoặc giã nhuyễn hòa nước sôi gạn lấy nước uống.

Trong 100g lá xương sông có 82,5g nước, 2g protein, 1,3g đường, 2,9g chất xơ, canxi, sắt, phospho, vitamin B1, B2, Pp, C. Lá chứa 0,24% tinh dầu với thành phần chính là limonen, p-cymene và methylthymol. 

Lá xương sông tươi cùng rau ngót nấu canh cá hoặc thịt là món ăn bổ dưỡng, phù hợp với trẻ bị ốm, sốt. 

Theo lương y Sáng, Đông y dùng lá cây xương sông như một vị thuốc điều trị các bệnh đường hô hấp như cảm cúm, sổ mũi, ho hen, viêm họng, đau họng, tê thấp... 

Sắc lá xương sông cùng hành hoa và hương phụ cũng có tác dụng giải cảm. Lá xương sông giã nhuyễn cùng lá khế và chua me đất, hòa nước lọc lấy nước uống chữa trẻ em sốt cao, co giật, thở gấp; dùng bã xoa ngoài chữa chứng nổi mẩn khắp mình. Lá xương sông cùng lá xương bồ giã nhuyễn, hòa nước nóng, lọc lấy nước uống hoặc sắc uống chữa trúng phong hàn. Lá xương sông sắc cùng hoa hồng bạch và hoa đu đủ đực, hòa đường phèn cho uống chữa viêm họng, ho đờm, nôn trớ...

Cây xương sông cũng có tác dụng trị thấp khớp. Cách làm như sau: Rửa sạch một nắm lá xương sông tươi, ngâm trong nước muối pha loãng 5-7 phút để diệt vi trùng, vi khuẩn. Giã nhuyễn lá xương sông rồi xào, bọc trong miếng vải mỏng và dùng chườm lên chỗ sưng đau khoảng 15-20 phút. Chú ý độ ấm nóng cho vừa phải để tránh bỏng rộp. Thực hiện 2 đến 3 lần mỗi ngày trong một tuần, các triệu chứng đau nhức do bệnh thấp khớp sẽ giảm.

Lương y Sáng lưu ý bài thuốc trị thấp khớp từ cây xương sông chỉ có tác dụng giảm đau khi còn ấm. Do đó, trong quá trình sử dụng, nếu thuốc nguội, nên xào nóng lại hoặc thay đợt thuốc khác. Ngoài ra, nên kiểm tra độ nóng của thuốc trước khi đắp lên nơi sưng đau, bởi thuốc quá nóng có thể tác động xấu đến da và dây thần kinh cảm giác dưới da.

Người bệnh có thể vừa đắp lá xương sông vừa massage nhẹ vùng đau để các dưỡng chất từ thuốc thấm sâu qua da. Bổ sung chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe cho khớp và giúp hồi phục nhanh chóng. 

Đăng bình luận

Mới hơn Cũ hơn